-
Contents
Tính tất yếu của mối quan hệ phối họp trong quá trình điều tra vụ án
Mối quan hệ phối hợp không bắt nguồn từ ý chí chủ quan của các chủ thể tiến hành tố tụng. Trong điều tra hình sự, thực hiện mối quan hệ phối hợp giữa các lực lượng, các biện pháp khác nhau bắt nguồn từ những yếu tố khách quan sau đây:
- Bọn tội phạm thường hoạt động rất tinh vi, xảo quyệt, bí mật và lén lút; luôn luôn tìm cách che giấu tội phạm và chống lại điều tra. Bởi vậy, phối hợp các lực lượng và phương tiện, biện pháp trong quá trình điều tra là cần thiết nhằm phát hiện có dấu hiệu tội phạm đã xảy ra.
- Quá trình phát hiện tội phạm diễn ra theo nhiều giai đoạn khác nhau. Chuyển từ một giai đoạn, một hình thức điều tra khác sang công khai điều tra vụ án theo quy định của tố tụng hình sự tất yếu dẫn đến mối quan hệ phối hợp giữa lực lượng điều tra với các lực lượng đã tiến hành thanh tra, kiểm tra, điều tra vụ án trước đó.
- Trong quá trình điều tra có những giả thuyết điều tra trùng hoặc có mối liên hệ với các giả thuyết thuộc lĩnh vực nghiệp vụ khác. Vì vậy, muốn kiểm tra giả thuyết này có hiệu quả tất yếu phải thực hiện mối quan hệ phối hợp giữa các lực lượng và biện pháp này với lực lượng biện pháp điều tra.
Công tác điều tra, truy tố, xét xử, thanh tra có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Do vậy, quan hệ phối hợp giữa các cơ quan bảo vệ pháp luật trong quá trình điều tra là hết sức cần thiết, đảm bảo cho cuộc đấu tranh chống tội phạm có hiệu quả.
-
Đặc điểm mối quan hệ phối hợp trong điều tra vụ án hình sự
Quan hệ phối hợp trong điều tra vụ án hình sự là mối quan hệ đa dạng, nhiều chiều, trong đó quan hệ phối hợp giữa cơ quan điều tra với đơn vị nghiệp vụ và với Viện Kiểm sát là quan trọng nhất.
Mối quan hệ trong điều tra vụ án hình sự thường chịu sự điều chỉnh của pháp luật và những quy định cụ thể của các cơ quan Nhà nước có quan hệ đến vấn đề điều tra.
Trong điều tra hình sự, có quan hệ phối hợp mang tính chất tố tụng hình sự, cũng có mối quan hệ không mang tính chất tố tụng hình sự.
Mối quan hệ trong điều tra hình sự thường chia làm ba loại:
- Phối hợp ở giai đoạn điều tra ban đầu.
- Phối hợp ở giai đoạn điều tra tiếp theo (thường là phối hợp tiến hành các hoạt động điều tra).
- Phối hợp trong giai đoạn kết thúc điều tra vụ án.
Tùy theo đặc điểm điều tra từng giai đoạn và tùy theo tính chất, đặc điểm của từng vụ án mà mỗi giai đoạn điều tra có những yêu cầu quan hệ khác nhau.
-
Những quy tắc cần tuân thủ khi thực hiện quan hệ phối hợp
Mối quan hệ trong điều tra vụ án phải tuân thủ các quy tắc sau đây:
- Mối quan hệ phối hợp phải dựa trên các quy định của pháp luật có quan hệ đến hoạt động điều tra.
- Mối quan hệ phối hợp phải thể hiện tính chủ động của tất cả các thành viên với mục đích điều tra nhanh chóng, khách quan và đầy đủ.
- Mối quan hệ phối hợp cần kéo dài cho đến khi điều tra vụ án không còn yêu cầu cần phải giải quyết nhiệm vụ của mình bằng mối quan hệ nữa.
- Mối quan hệ phối hợp cần được xây dựng và tiến hành trên cơ sở của kế hoạch điều tra mới đảm bảo có hiệu quả.
-
Các hình thức quan hệ phối hợp trong điều tra vụ án
- Cơ quan điều tra và các lực lượng khác chuẩn bị và soạn thảo các văn bản cần thiết làm cơ sở cho việc tiến hành điều tra vụ án.
- Cùng nhau soạn thảo kế hoạch điều tra vụ án.
- Cùng phối hợp tiến hành các hoạt động điều tra.
- Trao đổi thông tin cho nhau một cách thường xuyên và có hệ thống.
- Tổ chức và tham gia các cuộc họp nghiệp vụ để trao đổi, bàn bạc, bổ sung và đề ra những hướng mới cho cuộc điều tra vụ án.
- Cùng nhau chuẩn bị những điều kiện cần thiết cho các hoạt động điều tra được tiến hành bình thường.
- Cùng nhau tiến hành các hoạt động tuyên truyền, giáo dục pháp luật, thu hút đông đảo quần chúng tích cực tham gia vào quá trình điều tra tội phạm.