Phương pháp phát hiện, thu lượm, ghi nhận dấu vết máu trong khoa học điều tra hình sự

0
21

Phát hiện dấu vết máu thường xuất hiện trên hiện trường của những vụ giết người, cướp, gây thương tích, tai nạn giao thông, trộm, cưỡng dâm, hiếp dâm V.V.. Dấu vết máu là một loại cụ thể của dấu vết sinh vật và tồn tại ở hiện trường với các dạng khác nhau và có nguồn gốc khác nhau.

1- Ý nghĩa trong công tác điều tra hình sự

Qua việc nghiên cứu dấu vết máu để lại ở hiện trường, cơ quan điều tra có thể xác định được một số vấn đề cơ bản sau:

–     Diễn biến của sự việc xảy ra.

–     Mức độ tổn thương của cơ thể.

–     Đối tượng để lại dấu vết (thủ phạm, nạn nhân).

Bảo vệ người làm chứng

2- Hình dạng của dấu vết máu và các yếu tố ảnh hưởng đến hình dạng của dấu vết máu

Dấu vết máu để lại ở hiện trường có 4 dạng cơ bản sau:

–     Dấu vết máu phun: Được tạo ra do vết thương làm đứt động mạch đột ngột, máu chảy ra với động năng lớn. Loại dấu vết máu này không bao giờ tồn tại dưới dạng đơn lẻ mà tạo thành một hệ thống dấu vết máu.

Các dấu vết này thường có hình dạng như hình hoa chuối, hình chai, hình ô van. Đầu to của dấu vết hướng về nguồn máu.

–     Dấu vết máu nhỏ giọt: Được tạo ra do cơ thể bị tổn thương ở phần cứng hoặc phần mềm nhưng không phải là động mạch, máu chảy ra với động năng nhỏ. Dấu vết có hình tròn, vùng trung tâm dấu vết đậm hơn vùng xung quanh. Dấu vết có thể để lại thành hệ thống hoặc những dấu vết đơn lẻ. Trong trường hợp tạo thành hệ thống dấu vết máu nhỏ giọt, nó phản ánh diễn biến của sự việc và sự di chuyển nạn nhân của thủ phạm trên hiện trường.

–     Dấu vết máu quệt: Được tạo ra khi máu bị lau, chùi bằng những vật mềm như bông, vải, giấy… hoặc trong trường hợp máu bị dịch chuyển từ vị trí này sang vị trí khác, từ vật này sang vật khác. Dấu vết máu quệt thường không rõ hình và không phản ánh hình dạng vật gây vết.

–     Dấu vết máu thấm: Được tạo ra khi máu rơi, thấm vào những vật mềm, xốp như bông, vải, gỗ (chưa đánh bóng) đất, cát…

Hình dạng của dấu vết máu bị ảnh hưởng bởi các yếu tố sau:

–            Vị trí vết thương và mức độ tổn thương của cơ thể.

–            Khoảng cách từ nguồn máu chảy ra đến vật mang vết.

–            Góc độ giữa nguồn máu và vật mang vết.

–            Các điều kiện ngoại cảnh khác (gió, mưa…).

Ngoài ra, các yếu tố khác như đặc điểm của vật mang vết, tính chất của sự tác động giữa vật gây vết và vật mang vết… cũng ảnh hưởng tới hình dạng của dấu vết máu.

Chiến thuật khám xét người

3- Những vấn đề cần làm rõ khi nghiên cứu dấu vết máu

Qua việc giám định dấu vết máu thu được ở hiện trường, giám định viên phải trả lời được những câu hỏi sau:

– Dấu vết gửi đi giám định có phải là máu không?

– Nếu là máu thì là máu của người hay của loài động vật nào?

– Nếu là máu người thì thuộc nhóm nào?

– Máu của nam hay nữ?

– Máu chảy ra từ vị trí nào của cơ thể?

– Máu của ai trong số đối tượng nghi vấn?

4- Phương pháp phát hiện dấu vết máu

Dấu vết máu là một trong những loại dấu vết đầu tiên có phương tiện hiện đại chuyên dùng để phát hiện. Máy phát hiện dấu vết máu hiện đang được sử dụng ở Anh, Hồng Kông… giúp cho việc phát hiện dấu vết máu có ở tại hiện trường, thành phần, số lượng và một số đặc điểm cơ bản nhất một cách nhanh chóng, dễ dàng.

Dấu vết máu là loại dấu vết có màu, vì vậy có thể quan sát bằng mắt để phát hiện chúng. Khi quan sát, cần tạo được điều kiện ánh sáng tốt. Chú ý phát hiện dấu vết máu ở những nơi kín đáo. Có thể sử dụng kính lúp, đèn cực tím hoặc hóa chất phù hợp để phát hiện dấu vết máu (Benzidine, Lumynool…).

Xem thêm: Tội xâm phạm chế độ hôn nhân gia đình

Xem thêm: Nội dung quản lý nhà nước về đối ngoại

5- Phương pháp thu lượm dấu vết máu

Đối với máu ướt, số lượng nhiều thì dùng xi lanh hút từ 5 – 10 cc cho vào lọ thủy tinh sạch và ghi chú bên ngoài. Đối với dấu vết máu ướt nhưng số lượng ít, dùng bông hoặc vải sạch để thấm dấu vết, sau đó để khô ở nơi thoáng mát.

Nếu dấu vết máu khô, nằm trên vật mang nhỏ, nhẹ thì thu dấu vết cùng vật mang vết, gói vào giấy sạch và ghi chú các thông tin cần thiết bên ngoài. Dấu vết nằm trên những vật lớn, dùng dao mỏng để tách lấy dấu vết, cho vào phong bì, túi nilon hoặc lọ thủy tinh sạch rồi ghi chú bên ngoài. Dấu vết nằm trên vật mang lớn, bề mặt xù xì thì dùng bông, vải sạch thấm nước, sau đó lau lên dấu vết để di chuyển dấu vết từ vật mang vết sang chúng.

Khi thu mẫu so sánh để giám định dấu vết máu, cần tiến hành như sau:

–    Đối với nạn nhân bị thương, phải nhờ cơ quan y tế lấy từ 5 -10 cc máu tại tĩnh mạch và bảo quản như với dấu vết máu ướt.

–    Đối với nạn nhân mới chết, lấy tại tim từ 5 -10 cc máu và bảo quản như với dấu vết máu ướt. Nếu nạn nhân chỉ còn xương thì thu tóc và mẩu xương tay, chân.

–    Đối với đối tượng nghi vấn: Nhờ cơ quan y tế lấy từ 5 – 10 cc máu.

6- Phương pháp ghi nhận dấu vết máu

–    Chụp ảnh.

Khi chụp ảnh dấu vết máu phải tuân thủ nguyên tắc chung chụp ảnh dấu vết, vật chứng. Nên sử dụng phim màu hoặc kính lọc màu để chụp dấu vết máu nhằm tăng độ nét, chiều sâu… của dấu vết.

–    Mô tả vào biên bản.

Dấu vết máu được mô tả vào biên bản khám nghiệm phải làm rõ được loại, hình, chiều, trạng, kích, chỗ của dấu vết.

– Vẽ sơ đồ.

Phải vẽ sơ đồ dấu vết theo ký hiệu và phương pháp đã được quy định. Sơ đồ dấu vết phải biểu hiện được mối tương quan giữa dấu vết máu này với dấu vết máu khác, giữa dấu vết máu và các vật chứng khác.

TRẢ LỜI

Vui lòng nhập bình luận của bạn!
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây