Khái niệm, tác dụng và phân loại giả thuyết điều tra

0
25

Khái niệm, tác dụng và phân loại giả thuyết điều tra

Giả thuyết điều tra có một vai trò quan trọng, không thể thiếu được trong điều tra tội phạm, giúp cơ quan điều tra và điều tra viên xác định hướng điều tra sát họp, từ đó tiến hành các biện pháp và sử dụng các lực lượng, phường tiện điều tra thích hợp để làm rõ vụ án. Bài viết sau sẽ đi sâu vào việc phân tích khái niệm, tác dụng của giả thuyết điều tra.

Khám xét

1 – Khái niệm giả thuyết điều tra

Giả thuyết điều tra là những nhận định, phán đoán có cơ sở khoa học về bản chất của một vụ việc đang được điều tra, dựa trên cơ sở những thông tin đã thu thập được, kinh nghiệm thực tiễn cùa hoạt động điều tra và những tài liệu của các ngành khoa học khác, nhằm xác định phương hướng cho việc điều tra làm rõ sự thật khách quan của vụ việc.

Khi có vụ án xảy ra, dựa trên cơ sở những tin tức, tài liệu thu thập được về vụ án cũng như những tin tức, tài liệu khác có liên quan, điều tra viên đưa ra các giả thuyết điều tra. Chính những giả thuyết điều tra này là cơ sở để xác định phương hướng của hoạt động điều tra. Các giả thuyết điều tra hợp thành hệ thống bao gồm: giả thuyết về động cơ, mục đích phạm tội ; giả thuyết về công cụ, phương tiện phạm tội ; giả thuyết về nạn nhân; giả thuyết về các dấu vết đặc trưng và nơi để lại các dấu vết… Tất cả các giả thuyết đó không phải là suy đoán chủ quan của điều tra viên mà nó được xây dựng dựa trên các thông tin, tài liệu, chứng cứ mà điều tra viên đã thu thập được; đồng thời dựa vào kiến thức chuyên môn, phẩm chất cá nhân, khả năng tư duy và kinh nghiệm thực tiễn đấu tranh chống tội phạm của điều tra viên…

Xem thêm: Kỹ năng nghiên cứu hồ sơ vụ án hình sự

Xem thêm: Khái niệm và trình tự tổ chức điều tra vụ án hình sự 

2 – Tác dụng của giả thuyết điều tra

Giả thuyết điều tra chính là hình thức phản ánh mức độ nhận thức của điều tra viên về vụ án đã xảy ra, đóng vai trò thúc đẩy sự phát triển của nhận thức từ chỗ chưa nhận thức được đến nhận thức được, từ chỗ nhận thức chưa đầy đủ đến nhận thức đầy đủ, chính xác. Chính vì vậy, giả thuyết điều tra có một vai trò quan trọng, không thể thiếu được trong điều tra tội phạm. Cụ thể là:

  • Giả thuyết điều tra giữ vai trò là một hình thức phát triển nhận thức của điều tra viên về các sự việc, là phương hướng xác định chân lý của sự việc.
  • Giả thuyết điều tra giúp cơ quan điều tra và điều tra viên xác định hướng điều tra sát họp, từ đó tiến hành các biện pháp và sử dụng các lực lượng, phường tiện điều tra thích hợp để làm rõ vụ án.
  • Đối với những vụ án chưa rõ thủ phạm thì giả thuyết điều tra chủ yếu nhằm phác hoạ chân dung của thủ phạm để từ đó xác định phương hướng truy tìm và truy bắt đối tượng gây án. Đối với những vụ án đã rõ thủ phạm, giả thuyết điều tra giúp làm rõ toàn bộ các tình tiết khác của vụ án, nhất là những vấn đề cần chứng minh.

3 – Phân loại giả thuyết điều tra

Phân loại giả thuyết điều tra giúp cho quá trình khai thác và vận dụng các giả thuyết điều tra cũng như dự kiến các lực lượng, phương tiện, cho phù hợp.

Giả thuyết được phân loại dưới nhiều góc độ khác nhau, nó có ý nghĩa về mặt lý luận nhận thức cũng như thực tiễn vận dụng trong quá trình điều tra.

Có thể phân loại giả thuyết điều tra dựa trên các căn cứ sau đây:

[1] Căn cứ vào nội dung dự đoán của giả thuyết điều tra, có thể phân loại thành giả thuyết điều tra chung và giả thuyết điều tra riêng.

Giả thuyết điều tra chung là giả thuyết điều tra nhằm giải thích vấn đề chung nhất của vụ việc mà ta đang tiến hành điều tra.

Giả thuyết điều tra riêng là giả thuyết điều tra nhằm giải thích các tình tiết cụ thể của vụ án, nội dung, nguồn gốc, nguyên nhân, điều kiện của mỗi vấn đề có liên quan đến vụ án, mối liên hệ giữa các tình tiết và các vấn đề đó.

[2] Căn cứ vào mức độ điển hình của giả thuyết điều tra có thể phân loại thành giả thuyết điều tra phổ biến và giả thuyết điều tra cụ thể.

Giả thuyết điều tra phổ biến là giả thuyết điều tra được xây dựng trong những tình huống điều tra phổ biến, hình thành trong quá trình tiến hành các hoạt động điều tra.

Giả thuyết điều tra cụ thể là giả thuyết điều tra được xây dựng trong quá trình điều tra từng vụ án cụ thể, dựa trên cơ sở tổng hợp, đánh giá những tài liệu, chứng cứ đã thu thập được về vụ án và những giả thuyết điều tra phổ biến.

Ngoài ra Căn cứ vào chủ thể xây dựng giả thuyết điều tra có thể phân loại thành giả thuyết điều tra của điều tra viên, giả thuyết điều tra của cán bộ được giao tiến hành một số hoạt động điều tra và giả thuyết điều tra của người giám định.

Nguồn: Giáo trình Khoa học điều tra hình sự – Đại học Luật Hà Nội.

TRẢ LỜI

Vui lòng nhập bình luận của bạn!
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây