Buôn bán hàng cấm – Có thể bị phạt đến 1 tỷ đồng hoặc ngồi tù!

0
207

Buôn bán hàng cấm là hành vi mua đi bán lại các mặt hàng nằm trong danh mục hàng cấm do Nhà nước quy định. Hành vi này vi phạm nghiêm trọng trật tự quản lý kinh tế của Nhà nước và có thể bị phạt lên tới 1 tỷ đồng.

Buôn bán hàng cấm - Có thể bị phạt đến 1 tỷ đồng!
Để có đáp án nhanh nhất trong lĩnh vực pháp luật hành chính, gọi Tổng đài tư vấn pháp luật (24/7): 1900 6198

Hàng cấm là gì? Danh mục những hàng cấm hiện nay

Hàng cấm là khái niệm được sử dụng trong kinh doanh và xuất, nhập khẩu, được hiểu đơn giản là những loại hàng hóa, sản phẩm không được nhà nước cho phép buôn bán, trao đổi, sản xuất, sử dụng hay tàng trữ. Pháp luật Việt Nam có những quy định cụ thể về danh mục hàng cấm cũng như hình phạt cho người vi phạm.

Có rất nhiều loại hàng hóa trong danh mục hàng cấm, được quy định trong rất nhiều văn bản của Chính phủ như: Nghị định số 59/2006/NĐ-CP, Nghị định số 43/2009/NĐ-CP, Nghị định số 39/2009/NĐ-CP,… cụ thể:

  • Vũ khí quân dụng, các thiết bị, khí tài, phương tiện chuyên dùng trong lĩnh vực quân sự, công an, quân dụng, phụ tùng và các trang thiết bị đặc chủng
  • Súng, đạn, mìn cùng với các phụ kiện chế tạo.
  • Phù hiệu, cấp hiệu của lực lượng quân đội, công an.
  • Các chất ma túy
  • Chất hóa học bảng 1 (theo quy định chung của thế giới)
  • Các sản phẩm văn hóa đồi trụy, phản động, mê tín dị đoan,…
  • Các loại pháo, không loại trừ pháo hoa và pháo nổ.
  • Đồ chơi gây nguy hiểm cho con người, các loại đồ chơi có khả năng gây hại tới giáo dục và sức khỏe của trẻ em (bao gồm cả trò chơi điện tử).
  • Động vật, thực vật sống và các bộ phận, sản phẩm được chế biến từ chúng, thuộc danh mục hàng cấm khai thác và sử dụng theo quy định của nhà nước Việt Nam và thuộc danh mục điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
  • Các loại thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật chưa được Nhà nước cấp phép sử dụng. 
  • Phân bón hay các loại giống cây trồng nằm ngoài danh sách được phép sử dụng, sản xuất, kinh doanh của Việt Nam.
  • Giống vật nuôi ngoài danh sách đã được cấp phép.
  • Các loại khoáng sản đặc biệt, chứa các chất độc hại.
  • Phế liệu nhập khẩu ảnh hường đến môi trường, gây ô nhiễm môi trường
  • Sản phẩm hay vật liệu chứa Amiăng thuộc nhóm Amfibole cấm nhập khẩu
  • Các trang thiết bị y tế và thuốc chữa bệnh, mỹ phẩm, hóa chất không nằm trong danh sách cho phép.
  • Thuốc lá, xì gà nhập khẩu trái phép về Việt Nam.
  • Chất phụ gia thực phẩm, chất dinh dưỡng, thực phẩm chức năng, chất bảo quản, chất biến đổi gen hiện chưa được nhà nước cấp phép kinh doanh.

Quy định về tội sản xuất và buôn bán hàng cấm

Theo Điều 190 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017, Tội sản xuất, buôn bán hàng cấm được hiểu đơn giản là hành vi làm ra các hàng hóa, hành vi mua đi bán lại các loại hàng hóa mà Nhà nước cấm. Hành vi này vi phạm có thể bị áp dụng hình phạt tiền lên tới 3 tỷ đồng và hình phạt tù lên tới 10 năm. 

Xem thêm: Tàng trữ, vận chuyển hàng cấm 

Các yếu tố cấu thành tội sản xuất và buôn bán hàng cấm

Mặt khách quan

Điều luật quy định 02 hành vi sau:

  • Hành vi sản xuất hàng cấm: đây là hành vi làm ra hàng cấm, “là việc thực hiện một một số hoặc tất cả các hoạt động chế tạo, chế bản, in, gia công, đặt hàng, sơ chế, chế biến, chiết xuất, tái xế, lắp ráp, pha trộn, san chia, sang chiết, nạp, đóng gói và hoạt động khác làm ra hàng hóa” hay nói cách khác người phạm tội có thể tham gia vào toàn bộ quá trình làm ra hàng cấm hoặc chỉ một công đoạn nào đó của quá trình làm ra hàng cấm. 
  • Hành vi buôn bán hàng cấm: đây là hành vi mua đi bán lại hàng cấm dưới bất kỳ hình thức nào nhầm thu lợi bất chính như mua bán theo nghĩa thông thường, trao đổi, thanh toán bằng hàng cấm,… Người phạm tội có thể “thực hiện một một số hoặc tất cả hoạt động chào hàng, bày bán, lưu giữ, bảo quản, vận chuyển, bán buôn, bán lẻ, xuất khẩu, nhập khẩu và hoạt động khác đưa hàng hóa vào lưu thông”

Tuy nhiên, hành vi sản xuất, buôn bán hàng cấm được mô tả trên đây chỉ bị coi là tội phạm nếu thuộc một trong các trường hợp sau

  • Sản xuất, buôn bán thuốc bảo vệ thực vật thuộc danh mục hàng hóa nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành hoặc cấm sử dụng từ 50kg trở lên hoặc từ 50l trở lên;
  • Sản xuất, buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu từ 1500 bao trở lên;
  • Buôn bán sản xuất pháo nổ từ 06kg trở lên;
  • Sản xuất buôn bán hàng hóa khác thuộc danh mục nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng có giá trị từ 100.000.000 đồng trở lên hoặc thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng trở lên.
  • Sản xuất, buôn bán hàng hóa chưa được phép lưu hành, chưa được phép sử dụng trên lãnh thổ Việt Nam trị giá từ 200.000.000 đồng trở lên hoặc thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng trở lên.
  • Sản xuất, buôn bán hàng hóa dưới mức quy định của khoản 1 Điều 190 nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Bộ luật Hình sự hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà lại vi phạm.

Mặt chủ quan

Lỗi của người phạm tội sản xuất, buôn bán hàng cấm được quy định là lỗi cố ý.

Chủ thể 

Chủ thể của tội phạm này là cá nhân đủ năng lực năng lực chịu trách nhiệm hình sự theo Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định.

Ngoài ra, chủ thể của tội sản xuất, buôn bán hàng cấm này còn là pháp nhân được thành lập hợp pháp; Có cơ cấu tổ chức chặt chẽ; Có tài sản độc lập với cá nhân, tổ chức khác và chịu trách nhiệm bằng tài sản đó; nhân danh mình tham gia các quan hệ pháp luật một cách độc lập; Đã có hành vi nguy hiểm cho xã hội xâm phạm vào trật tự quản lý kinh tế, cụ thể xâm phạm các quy định của Nhà nước trong lĩnh vực quản lý thị trường.

Khách thể

Khách thể của tội phạm này là trật tự quản lý kinh tế mà cụ thể là xâm phạm chế độ độc quyền của Nhà nước trong quản lý, sản xuất, kinh doanh một số loại hàng cấm.

Mức phạt  khi thực hiện hành vi sản xuất và buôn bán hàng cấm

Điều luật quy định 3 khung hình phạt chính, 01 hình phạt bổ sung và 01 khung hình phạt đối với pháp nhân thương mại chịu trách nhiệm hình sự đối với tội sản xuất, buôn bán hàng cấm như sau:

Khung hình phạt cơ bản có mức phạt tiền từ 100.000.000 đồng tới 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm tới 05 năm.

Khung hình phạt tăng nặng thứ nhất có mức phạt tiền từ 01 tỷ đồng đến 03 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 05 năm đến 10 năm được quy định cho trường hợp phạm tội có các tình tiết tăng nặng ở khoản 2 Điều 190.

Khung hình phạt tăng nặng thứ hai có mức phạt tù từ 08 năm đến 15 năm được quy định cho trường hợp phạm tội có một có các tình tiết tăng nặng tại khoản 3 Điều 190.

Khung hình phạt bổ sung được quy định (có thể áp dụng) là: phạt tiền lên tới 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định tới 05 năm.

Đối với pháp nhân thương mại chịu trách nhiệm hình sự được quy định có thể bị phạt tiền lên tới 09 tỷ đồng, bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn tuỳ vào các tình tiết phạm tội. Ngoài ra, pháp nhân thương mại phạm tội sản xuất, buôn bán hàng cấm còn có thể bị áp dụng các hình phạt bổ sung như cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn lên đến 03 năm. 

Hàng hóa cấm nhập khẩu theo quy định của pháp luật

Căn cứ Nghị định của Chính phủ số 12/2006/NĐ-CP ngày 23 tháng 01 năm 2006 quy định chi tiết thi hành luật thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế và các hoạt động đại lý mua, bán, gia công và quá cảnh hàng hóa đối với nước ngoài, sau đây là danh sách các loại hàng hóa cấm nhập khẩu vào Việt Nam: vũ khí, đạn dược, vật liệu nổ; pháo các loại không loại trừ pháo nổ và pháo hoa; hàng tiêu dùng đã qua sử dụng; các loại văn hóa phẩm cấm phổ biến hoặc cấm lưu hành trên lãnh thổ Việt Nam; phương tiện vận tải bằng tay lái bên phải trừ các loại phương tiện chuyên dùng có tay lái bên phải hoạt động trong phạm vi hẹp; các loại vật tư, phương tiện đã qua sử dụng; các loại phế liệu, phế thải và thiết bị làm lạnh sử dụng khí C.F.C; các sản phẩm, vật liệu có chứa chất amiăng thuộc nhóm amfibole; hóa chất độc bảng 1 được quy định trong Công ước vũ khí hóa học.

Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc về xử phạt hành chính, hãy tham khảo tại :Luật hành chính

Một số câu hỏi thường gặp

Đối tượng của tội sản xuất và buôn bán hàng cấm là gì?

Đối tượng tác động của tội này là hàng cấm, “gồm hàng hoá cấm kinh doanh, hàng hoá cấm lưu hành và hàng hoá cấm sử dụng tại Việt Nam”. Tuy nhiên, không phải tất cả những hàng hoá có đặc điểm như vậy đều thuộc phạm vi đối tượng của tội sản xuất, buôn bán hàng cấm. Có một số hàng hoá tuy cũng là Nhà nước cấm kinh doanh nhưng lại là đối tượng của tội khác. Như vậy, chỉ những hàng cấm quy định tại Điều 190 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 mới là đối tượng của tội này.

Tội buôn bán hàng cấm bị xử lý như thế nào?

Tội buôn bán hàng cấm được quy định tại điều 190 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017. Tùy theo mức độ phạm tội mà nhà nước đưa ra các mức phạt khác nhau nặng nhất có thể bị phạt tiền lên tới 9.000.000.000 đồng và bị phạt tù tới 15 năm.

Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest

  1. Bài viết trong lĩnh vực pháp luật hình sự được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
  2. Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý Vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
  3. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900 6198, E-mail: info@everest.org.vn.

TRẢ LỜI

Vui lòng nhập bình luận của bạn!
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây