Phân tích những dấu hiệu về mặt chủ quan của đồng phạm

0
33

Phân tích những dấu hiệu về mặt chủ quan của đồng phạm

Về mặt chủ quan, đồng phạm đòi hỏi những người cùng thực hiện tội phạm đều có lỗi cố ý. Ngoài ra, đối với những tội có dấu hiệu mục đích phạm tội là dấu hiệu bắt buộc, đồng phạm đòi hỏi những người cùng thực hiện phải có cùng mục đích phạm tội đó.

Trình tự lấy lời khai người làm chứng1 – Dấu hiệu lỗi

Khi thực hiện hành vi có tính gây thiệt hại cho xã hội, mỗi người đồng phạm không chỉ cố ý với hành vi của mình mà còn biết và mong muốn sự cố ý tham gia của những người đồng phạm khác. Lỗi cố ý trong đồng phạm được thể hiện như sau:

[1] Về lí trí

Mỗi người đều biết hành vi của mình có tính gây thiệt hại cho xã hội và đều biết người khác cũng có hành vi như vậy cùng với mình.

Nếu chỉ biết mình có hành vi có tính gây thiệt hại cho xã hội mà không biết người khác cũng có hành vi như vậy với mình thì chưa thỏa mãn dấu hiệu lỗi cố ý trong đồng phạm và do vậy không có đồng phạm. Ví dụ: Khi mượn xe của B để dùng làm phương tiện cho việc trộm cắp tài sản (phân đạm) trong kho của một công ty, A đã nói dối là cần xe vào việc hợp pháp. B biết ý định thật của A nhưng do thù tức thủ kho nên đã vờ vô tình cho mượn. Trong vụ án này, A chỉ biết mình có hành vi trộm cắp mà không biết B có hành vi giúp sức cho mình. Do vậy, A và B không đồng phạm với nhau.

Về lí trí, mỗi người đồng phạm còn thấy trước hậu quả thiệt hại của tội phạm mà họ tham gia thực hiện.

[2] Về ý chí

Những người đồng phạm cùng mong muốn có hoạt động chung và cùng mong muốn hoặc cùng có ý thức để mặc cho hậu quả thiệt hại xảy ra. Những trường hợp không mong muốn có sự liên kết hành vi để cùng gây ra hậu quả thiệt hại như trường hợp nhiều người cùng múc trộm dầu trong bể chứa của cơ quan nhưng giữa họ không có sự rủ rê nhau là trường hợp phạm tội riêng lẻ. Cũng chỉ là trường hợp phạm tội riêng lẻ, khi các hậu quả thiệt hại mà những người có hành vi có tính gây thiệt hại cho xã hội mong muốn không đồng nhất với nhau.

Xem thêm: Phân tích những dấu hiệu về mặt khách quan của đồng phạm

Xem thêm: Ngành luật hình sự 

2 – Dấu hiệu mục đích phạm tội

Ngoài hai dấu hiệu cùng thực hiện và cùng cố ý, đồng phạm còn đòi hỏi dấu hiệu cùng mục đích phạm tội trong trường họp đồng phạm những tội có mục đích phạm tội là dấu hiệu được mô tả trọng CTTP. Ví dụ: Đồng phạm những tội thuộc Chương các tội xâm phạm an ninh quốc gia. Được coi là cùng mục đích khi những người tham gia đều có chung mục đích được phản ánh trong CTTP hoặc biết rõ và tiếp nhận mục đích đó. Trường họp người chở thuê cho những người khác trốn đi nước ngoài, mặc dù đã biết rõ những người này có mục đích chống lại chính quyền nhân dân là ví dụ về trường hợp biết rõ và tiếp nhận mục đích của nhau. Trong trường hợp này, người chở thuê bị coi là người đồng phạm (người giúp sức) về tội phạm được quy định tại Điều 121 BLHS mặc dù họ không có mục đích chống lại chính quyền nhân dân.

Nếu không thoả mãn dấu hiệu cùng mục đích sẽ không có đồng phạm. Trong trường hợp này, những người tham gia sẽ chịu TNHS độc lập với nhau. Ví dụ: A thuê B giết người với mục đích chống lại chính quyền nhân dân nhưng B không biết mục đích đó. Trong trường hợp này không có đồng phạm về tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân (Điều 113 BLHS).

Nguồn: Giáo trình Luật hình sự Việt Nam phần chung – Đại học Luật Hà Nội!

TRẢ LỜI

Vui lòng nhập bình luận của bạn!
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây